slide 9
slide 8
slide 7
slide 6
slide 5
slide4
slide 3
slide 1
slide 2
09/11/2019 Lượt xem: 5.723

Truyền thuyết và giai thoại về Ngũ Hành Sơn

Ngũ hành sơn là một cụm núi đá vôi thấp nằm ở giữa sông hàn và biển đông.Cách trung tâm Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam.Ngũ hành sơn gồm 6 ngọn núi nằm kề nhau:Kim Sơn, Mộc Sơn,Thủy Sơn,Dương Hỏa Sơn,Âm Hỏa Sơn và Thổ Sơn.

1. Sự tích núi Ngũ Hành

Ngày xưa, có một ông cụ già sống một thân một mình trong một túp lều con trên bãi biển vắng. Những người dân gần đó không biết ông cụ đến đấy làm gì và đến từ lúc nào.

Một hôm, tự nhiên ngoài biển khơi có một vùng sóng gió nổi lên dữ dội làm bầu trời tối mịt. Hồi lâu có một con giao long rất lớn ngoi vào bờ, trườn lên đất liền. Giao long quằn quại trên bãi cát làm vẹt đất thành từng đường ngoằn ngoèo. Gió thổi ào ào, bụi cát mù mịt. Gian lều của ông già gần đó xem chừng muốn đổ. Cuối cùng một tiếng gào rống lên, rồi một cái trứng lớn trong bụng giao long xuất hiện bên cạnh nhà của ông già. Đẻ xong, giao long lại trườn xuống biển đi mất.

Một lát sau lại đến lượt một con rùa vàng to lớn cũng từ ngoài khơi tiến vào. Rùa vàng đào đất chôn trứng vào bãi cát. Đoạn, rùa bò đến trước mặt ông lão bảo rằng:

– Ta là thần Kim Quy. Ta muốn ngươi phải hết sức bảo hộ giọt máu này của Long Quân!

Ông già trả lời:

– Sức cùng tài tận như tôi thì làm sao mà bảo hộ được.

Rùa liền trao cho ông già một cái móng và nói:

– Ngươi hãy cầm lấy cái này, bao giờ có việc gì khó khăn nguy cấp thì đặt nó vào tai, ta sẽ giúp ngay, không lo gì cả.

– Được, tôi sẽ xin hết sức.

Một hôm từ đằng xa tiến đến một chiếc xe trâu, trên có mấy tên lính hung dữ. Ông già hoảng hốt lo sợ vì chiếc xe cứ nhằm đúng hướng trứng mà lao tới. Ông đứng dậy khoát tay làm dấu cho xe chạy đi ngả khác mà không được. Ông vội đặt móng rùa vào tai. Tự nhiên có một tiếng nói nhỏ đủ lọt vào tai ông: “Nằm xuống! Nằm xuống!”. Ông vừa phủ phục thì hóa ngay một con hổ lớn. Bọn lính trên xe hoảng hốt đánh xe quay trở lại.

Sau đó, ông cụ tháo gian nhà của mình đưa tới dựng lên che cho trứng thần. Nhưng ông không ngờ rằng trứng thần cứ mỗi ngày một lớn mãi. Thoạt tiên nó làm nổi cát lên. Rồi ngày một, ngày hai nó rẽ dần cát ra và nhô lên khỏi mặt đất. Mỗi lần như thế thì cụ già lại hì hục xúc cát lấp lại. Nhưng vô ích vì chỉ ngày mai ngày kia nó đã nhô cao hơn, đến nỗi đội cả gian nhà của ông cụ lên trời.

Trứng càng ngày càng lớn làm cho ông cụ thấy sức của mình bé lại. Tuy nhiên, ông vẫn hết lòng vì trứng thần. Ông đi chặt cây, chặt lá về che cho kín trứng.

Nhưng cây lá cũng không che nổi nữa vì trứng ngày một phình to ra. Không những nó nhô cao lên trời mà còn nở cả bề rộng. Mầu vỏ trứng xanh đỏ tím vàng lóng lánh như một hòn ngọc khổng lồ.

Một hôm, gian lều của ông cụ bị những tên vô lại đốt cháy. Ông cụ cầu cứu với móng rùa. Tự nhiên trong lòng trứng hiện ra một cái hang đá có đủ giường chiếu sẵn sàng. Ông già vừa đặt mình xuống là ngủ thiếp ngay.

Giữa lúc đó thì một cô gái bé từ trong lòng trứng ra đời bên cạnh giường của ông già. Sữa ở mạch đá trong hang chảy ra nuôi cô gái bé lớn lên như thổi. Nhưng tuy ông già ngủ mà cô gái cũng không cô quạnh. Hàng ngày có những con khỉ hái hoa quả đến cho cô ăn, có những con chim cu tha bông đến dệt cho cô mặc.

Ông già ngủ một giấc tỉnh dậy lấy làm kinh ngạc khi thấy một thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên cạnh mình. Cô gái reo lên: – “Mười lăm năm nay con ngày ngày lắng nghe hơi thở đều đặn của cha. Nay cha đã dậy, con vui mừng biết mấy”.

Ông già ngơ ngác nhìn trứng thần bấy giờ đã thành một hòn núi đá to lớn, cỏ cây đã rậm rạp, chim chóc thú vật đã đến sinh hoạt nhộn nhịp. Móng rùa vẫn còn ở đầu giường. Ông vội cầm lấy để vào tai. Móng rùa mách đường cho ông già và cô gái ra khỏi hang và cho biết phải làm những việc gì.

Từ đây ông già lại có thêm chức trách dạy dỗ săn sóc cô gái của Long Quân. Trong khi đó, chim chóc và thú rừng đến quấn quýt bên cạnh hai người. Bọn mục đồng cũng không quên lui tới làm quen với bọn họ.

Một hôm có một đội quân không hiểu từ đâu lại, mặt mũi hung ác, gươm tuốt sáng lòe, đến bổ vây chiếm lấy hòn núi mới. Bọn chúng xô tới định bắt cả trẻ lẫn già đi, nhưng móng rùa đã làm cho chúng chết không kịp ngáp. Cả một vòng lửa rất dày ùn ùn bốc lên vây lấy chúng và chẳng cho một tên nào chạy thoát.

Thấy núi và người bỗng dưng xuất hiện ở địa phương mình, nhân dân quanh vùng cho là một sự lạ chưa từng có. Tin là tiên xuống trần cứu dân, họ đến gặp cô gái và ông già để xin thuốc và cầu khẩn mọi việc. Thấy họ cần dùng thuốc, cô gái lấy những mảnh đá có mầu xanh, đỏ sáng, buộc lại với nhau rồi ném ra chung quanh chỗ ngồi. Trên mặt đất bỗng mọc lên một loài cây có hoa năm cánh dùng để chữa bệnh sốt rét rất hiệu nghiệm. Người ta đua nhau đi hái hoa đó về chữa bệnh. Họ gọi là hoa Tứ quý. Tiếng đồn thổi mỗi ngày một rộng. Ai ai cũng nhắc đến nàng tiên bé nhỏ với một tấm lòng trìu mến.

Sau đó chẳng bao lâu, nhà vua nghe tin có nàng tiên xinh đẹp, bèn sai quan quân mang lễ vật đến cầu hôn cho hoàng tử. Khi sứ giả đến thì trông thấy một già một trẻ đang đánh cờ “gánh” trên tảng đá lớn. Sứ giả bước vào đệ trình lễ vật và quốc thư. Giữa khi ông cụ già lúng túng chưa biết nên xử trí thế nào thì rùa vàng đã từ dưới biển hiện lên báo tin cho ông biết là Long Quân đã bằng lòng gả. Từ đây núi vắng người tiên. Cô gái từ biệt cha nuôi lên kiệu đi theo sứ giả, có mấy trăm quân sĩ theo hầu. Còn ông già trả móng lại cho rùa thần rồi cưỡi lên lưng rùa đi biệt.

Ngày nay hòn núi đá ấy vẫn hãy còn. Nó là hòn núi đẹp nhất nổi lên ở bờ biển Quảng Nam – Đà Nẵng. Người ta gọi à núi Ngũ Hành. Ở phía tây núi có sông Vĩnh Điện chảy ra cửa Hàn. Người ta bảo sông đó cũng như sông Cẩm Lệ, sông Hàn đều do bà vợ Long Quân vô tình làm ra trong khi quằn quại ở cữ.

2. Vua Gia Long

Tương truyền rằng, trong giai đoạn chạy trốn quân Tây Sơn Nguyễn (Phúc) Ánh lưu lạc đến vùng đất Ngũ Hành Sơn hiện nay. Trụ trì chùa Tam Thai thương người hoạn nạn, đem giấu vào động Huyền Không và mang cơm nước nuôi dưỡng. Được cứu giúp, Nguyễn Ánh phát nguyện rằng, nếu thoát nạn và sau này được làm vua sẽ trở lại nơi đây xây dựng, trùng tu chùa để đền ơn.

Sau này, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, hiệu là Gia Long. Tuy rằng vẫn nhớ lời thề lúc nguy nan nhưng vẫn không quay về để thực hiện được, có lời căn dặn với các hoàng tử rằng, ai sau này nối ngôi hãy thay vua cha quay về vùng đất Quảng Nam để thực hiện lời hứa năm xưa.

3. Vua Minh Mạng

Thực hiện di mệnh của vua cha, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng có ít nhất 3 lần tuần du Ngũ Hành Sơn, trong đó có việc xây dựng và trùng tu các chùa. Có thể nói, trong quá trình hình thành quần thể danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, sự tác động của vua Minh Mạng chiếm một vai trò vô cùng quan trọng.
Năm 1825,vua Minh Mạng tuần du đến Ngũ Hành Sơn lần đầu, đến năm 1837, những tên gọi Ngũ Hành Sơn, Thủy Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hỏa Sơn, Kim Sơn, Mộc Sơn… mới được vua xác lập và cho khắc tên vào núi đá.

Cũng ngay trong lần tuần du thứ nhất này, vua Minh Mạng đã cho xây dựng hai con đường bậc cấp đi lên núi, đó là lối đi lên chùa Tam Thai và lối đi lên chùa Linh Ứng (xưa gọi là Ứng Chơn). Ngày nay, hai con đường ấy là cổng phía Tây gồm có 156 bậc đá dẫn đến chùa Tam Thai, và cổng phía đông gồm có 108 bậc dẫn đến chùa Linh Ứng.

Sau đó, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng được sắc phong quốc tự, trùng tu xây dựng lại bề thế với kiến trúc đặc trưng của phương Đông, rất đẹp.

Ngoài ra, vua còn ban cho chùa Tam Thai một trái tim lửa bằng đồng, hiện vẫn còn được lưu giữ tại chùa.

Ngũ Hành Sơn rất được vua Minh Mạng yêu thích vì phong cảnh đẹp. Hai nơi được vua chọn ngắm cảnh đã được dựng bia đề tên là Vọng giang đài và Vọng hải đài. Ông còn cho xây hành cung “Động Thiên Phước Địa” tại đây để nghỉ ngơi.

Sau lần thứ ba vào tháng tư năm Minh Mạng thứ 18 (1837), nhà vua đã viết : “Đây là lần thứ ba ta ngự du đến Ngũ Hành Sơn. Ta đã ngự du lần thứ hai vào năm thứ 8 triều đại của ta, cách đây đã mười năm. Phong cảnh quần thể núi non này đối với ta hầu như vẫn mới lạ, tựa hồ như mới thấy lần đầu tiên” và nhà vua đã có bài văn ca ngợi :
Ta đã nghỉ ngơi thích đáng và những mệt mỏi của cuộc du hành đã tiêu tan,
Theo sở thích của ta, thuyền đã lướt trên sóng bạc tiến thẳng đến Ngũ Hành Sơn,
Và phong cảnh Ngũ Hành Sơn lại hiện ra trước mắt ta hoàn toàn mới…”

4. Công chúa Ngọc Hoa

Dân gian ở vùng Ngũ Hành Sơn vẫn hay nhắc đến một vị công chúa triều Nguyễn, không màng cảnh nhung lụa vương giả đã trốn hoàng tộc đến xin quy y xuất gia tại chùa Tam Thai – Ngũ Hành Sơn. Nàng công chúa này tên là Ngọc Hoa, con gái vua Gia Long, em gái của vua Minh Mạng.

Tương truyền rằng, công chúa Ngọc Hoa xin xuất gia từ sớm nhưng vua cha không cho, đành chịu nương mình nơi cung cấm. Sau khi vua Gia Long băng hà, xin phép anh là vua Minh Mạng không thành, công chúa đã trốn khỏi cung cấm đên Ngũ Hành Sơn và quy y tại chùa Tam Thai, có một thời gian tu tập ở động Huyền Không – đúng nơi mà vua cha của mình xưa kia náu mình. Sau đó, Ngọc Hoa về tu tại chùa ni Phổ Đà Sơn.

Trong 3 lần tuần du về Ngũ Hành Sơn của vua Minh Mạng, có một lần là để tìm em gái. Thế nhưng, công chúa Ngọc Hoa không chịu gặp mặt và có làm một bài thơ để tỏ rõ ý mình.

Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ,
Càng nhìn càng ngắm lại càng dơ.
Khua tan tục niệm hồi chuông sớm,
Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa.
Châu Tử chán mùi nên giải ấn,
Đỉnh chung lợm giọng hóa chay dưa.
Lên đàng cứu khổ toan quay lại,
Bể ái trông ra nước đục lờ.

Biết không lay chuyển được ý chí của Ngọc Hoa, vua Minh Mạng đành trở về. Ngày nay ở chùa Phổ Đà Sơn vẫn còn một tấm bia khắc ba chữ “Phổ Đà Sơn” được truyền tụng là được khắc theo ngự bút của vua Minh Mạng.

Theo những câu chuyện kể chắp nối từ dân gian thì từ hoàng cung triều Nguyễn ra đi còn có một vị công chúa nữa, tên là Ngọc Lan. Công chúa Ngọc Lan xuất gia tại chùa Thiên Mụ, cũng với mục đích như người chị Ngọc Hoa của mình: muốn cầu cho quốc thái dân an.

Điều đặc biệt là, theo gia phả nhà Nguyễn hay những tài liệu có liên quan về hoàng tộc thì vua Gia Long không hề có công chúa nào tên là Ngọc Lan hay Ngọc Hoa. Những cái tên, câu chuyện cứ bàng bạc sống và lan truyền với một vẻ đẹp và sức hấp dẫn mang màu sắc huyền thoại.

Hãy đến với chúng tôi !

02366 255 688